Con bò biển, nàng tiên cá và nghiên cứu
Bản tin số #5: Con bò biển không phải là nàng tiên cá, bạn cũng không phải là người dùng.
Chủ đề của bài viết hôm nay là “nghiên cứu”. Nhưng trước hết, mình muốn kể bạn nghe về câu chuyện: con bò biển.
Bò biển còn có tên gọi khác là lợn biển (manatees). Chúng thường sống ở các khu vực có nước ấm như vùng biển Caribbean, Amazon, phía Tây Châu Phi và một số biển đảo ở Việt Nam như Phú Quốc, Hạ Long. Nhìn chung, bò biển giống như những đốm xám, chúng có lớp da xám xịt sần sùi như con voi.
Nói cách khác, chúng không phải là những mỹ nhân được mô tả như trong truyền thuyết mặc dù chúng có nhân cách vô cùng tuyệt vời. Chúng cũng không phải là những nàng tiên cá có giọng hát quyến rũ khiến bao chàng thủy thủ say mê.
Và đó là những thông tin chính xác về mặt khoa học. Ba loài lợn biển còn tồn tại đến nay là thành viên thuộc họ Trichechidae, cùng với người anh em khác là cá cúi thuộc họ Dugongdae, tạo thành bộ bò biển Sirenia.
Tên khoa học của chúng bắt nguồn từ những truyền thuyết khám phá về chúng, trong số đó có câu chuyện về các thủy thủ đã nhìn thấy bò biển và nhầm tưởng rằng đó là nàng tiên cá (mermaid) hay là nữ thần biển Siren.
Nhiều năm về trước, Colombo - một nhà hàng hải được biết đến như người đầu tiên tìm ra Châu Mỹ. Trong một lần đi qua vùng biển nào đó ở Bắc Mỹ, ông đã nhìn thấy ba nàng tiên cá - trên thực tế đó là những con bò biển, ông đã viết:
“Đô đốc nói...ông đã nhìn thấy rõ ràng ba nàng tiên cá nổi lên từ mặt biển; nhưng chúng không đẹp như người ta vẫn thường nói, khuôn mặt chúng còn có một vài nét nam tính.”
Mình có thể hiểu tại sao ông lại viết như vậy.
Nhưng câu chuyện về con bò biển thì liên quan gì đến nghiên cứu?
Điều mình muốn nói đến là có thể người dùng của bạn cũng giống như những con bò biển kia. Bạn không biết gì về họ. Những gì bạn biết chỉ là giả định của bạn về chính họ, đó không phải sự thật. Sự thật cần được đào sâu hơn.
Công cụ giúp bạn đào sâu để tìm ra sự thật chính là nghiên cứu.
Hãy để đầu óc mình trống rỗng như một ly nước. Dùng sự tò mò của chính bạn để bắt đầu tìm hiểu về thế giới của người dùng. Những định kiến, thiên kiến mà đang có sẵn trước đó chỉ làm bạn tiếp tục đưa ra các giả định sai lệch giống như các thủy thủ lầm tưởng những con bò biển chính là nàng tiên cá chẳng hạn.
Một điều quan trọng khiến cho bài viết, nội dung UX có sức ảnh hưởng chính là nhờ sự thấu hiểu của bạn đối với đối tượng mục tiêu. Truyền tải thông điệp đúng cách chạm đến độc giả, từ đó truyền cảm hứng và thúc đẩy độc giả, khách hàng hành động.
Đó là nơi nghiên cứu bắt đầu.
Bằng cách nói chuyện với họ, bằng cách quan sát họ hành động, bạn biết đâu là những khó khăn họ đang gặp phải, bạn biết đâu là động lực, mục tiêu họ đang hướng đến. Từ đó, bạn tạo ra các sản phẩm chất lượng mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
90% ý tưởng đến từ nghiên cứu
Không có cách nào để bạn tạo ra các nội dung có giá trị nếu bạn không thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu các chủ đề và con người mà bạn muốn hướng đến.
Cho dù bạn là người viết hay thiết kế, bạn sẽ dễ bị mắc kẹt trong các suy nghĩ xem đâu là con đường tốt nhất để đi hoặc sa đà vào các ý tưởng bạn thấy hay. Bạn luôn mong muốn tạo ra các nội dung chất lượng hay thiết kế dựa trên nhu cầu của người dùng nhưng trong đầu bạn có muôn vàn lựa chọn, bạn không biết lựa chọn nào phù hợp người dùng.
Khi những tiếng nói nghi ngờ cất lên trong đầu bạn, hãy nghiên cứu.
Những insights bạn thu thập được sẽ giúp bạn nắm được chủ đề nào người dùng đang quan tâm, thông tin nào có giá trị với họ. Và họ đang sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu thế nào để nói về chủ đề đó.
Nghiên cứu giúp bạn thấu hiểu người dùng một cách sâu sắc.
Bạn # người dùng
Chúng ta luôn cho rằng chúng ta biết người dùng thực sự muốn gì. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ đang đưa ra các giả định dựa trên kinh nghiệm của chính bạn hoặc dựa vào một vài nghiên cứu cơ bản nhưng chưa đủ để khẳng định vấn đề.
Cho dù bạn là designers hay là writers, bạn sẽ biết nhiều hơn người dùng của bạn. Biết ở đây không phải là về hiểu biết về người dùng mà là biết cách vận hành của sản phẩm. Muốn mua hàng, đi lối A, đến lối B, hoàn thành thao tác C, vậy là thành công. Nhưng người dùng của bạn đi lối A, rẽ qua C, quay trở về A và không thể thực hiện thao tác mua hàng, họ quyết định từ bỏ.
Có nghĩa là không ai trong nhóm thiết kế của bạn có thể đánh giá được hành trình tương tác với ứng dụng của người dùng là dễ hay khó. Bạn vẫn phải nghiên cứu, thử nghiệm, đo lường để biết người dùng gặp khó khăn ở đâu.
Nghiên cứu dạy cho chúng ta sự khiêm tốn, dạy cho chúng ta quan điểm người dùng quan trọng hơn quan điểm của chính bạn.
Đó là lý do Google đặt ra nguyên tắc đầu tiên trong triết lý kinh doanh của họ là:
"Tập trung vào người dùng, tất cả những thứ khác sẽ theo sau."
Không dễ dàng để gạt đi cái tôi của mình và học cách đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người khác. Không có nhiều công ty làm được điều đó. Nhưng suy cho cùng, đây không phải là cuộc chiến của mỗi cá nhân, bạn đang tạo ra sản phẩm/nội dung cho người dùng. Người trực tiếp trải nghiệm sản phẩm của bạn là khách hàng, là độc giả của bạn, càng không phải là sếp của bạn.
Hãy nhớ con bò biển không phải là nàng tiên cá, bạn cũng không phải là người dùng.
Cảm ơn bạn đã đọc bản tin hôm nay.
Happy Weekend!
Bài viết hấp dẫn lắm Dương ơi, câu chuyện lôi cuốn, tư duy mạch lạc ^^
Cảm ơn bài viết của bạn nhiều nha :)